Vị trí dấu thanh: Quy tắc đối xứng khi đặt dấu thanh trong tiếng Việt
Trong những từ có dấu thanh, chúng ta bỏ dấu ở đâu? Nguyên tắc bỏ dấu theo phương pháp đối xứng ̣(còn gọi là phương pháp "thẩm mỹ") rất đơn giản, dễ nhớ, và chúng tôi chưa tìm thấy một ngoại lệ nào. Những ngoại lệ mà nhiều người nhắc đến chỉ là do hiểu lầm mà thôi.
Quy tắc rất đơn giản để đặt dấu thanh:
Nguyên tắc tuyệt đối: Dấu thanh phải được đặt trên nguyên âm của phần vần
Trong những vần có nhiều nguyên âm, thứ tự vị trí ưu tiên để bỏ dấu như sau:
-
Ưu tiên một: Nguyên âm đã có sẵn dấu (“mũ”, “râu”), tức là ă, â, ê, ô, ơ, ư
-
Ưu tiên hai (ít dùng): Nguyên âm e
-
Ưu tiên ba: Nguyên âm đầu tiên gần nhất với trung tâm của phần vần (xin nhấn mạnh: trung tâm của vần, không phải của cả từ)
Ưu tiên một rất dễ nhớ, đơn giản chỉ là gom các dấu vào với nhau.
Ưu tiên hai có lẽ là do ảnh hưởng của tiếng Pháp, khi chữ e thường mang các dấu trọng âm. Ví dụ trọng âm sắc (accent aigu) và trọng âm huyền (accent grave) chỉ có thể bỏ trên nguyên âm e trong tiếng Pháp. Ngày nay nhiều người không áp dụng ưu tiên trên chữ e nữa, có lẽ một phần vì họ không biết quy ước này từ lâu đã được áp dụng, một phần vì những người viết lập trình sau này không biết nên vô tình sửa lại những lỗi “không sai” (ví dụ khoẻ sẽ bị sửa thành khỏe).
Nhưng mọi tranh luận và bao nhiêu trường hợp bị cho là “không đồng nhất” đều nằm ở ưu tiên thứ ba, thế nào là “đối xứng”? Những trường hợp lúng túng quy lại là do hai nguyên nhân chính:
- Thứ nhất: Ta ngộ nhận “trung tâm của phần vần” là “trung tâm của cả từ”
- Thứ hai: Ta không biết đâu là phần vần
Hãy bàn về hai nguyên nhân chính này, để chúng ta không bao giờ bị bỏ dấu sai vị trí nữa.
Bàn về nguyên nhân thứ nhất: Khi “Trung tâm của phần vần” bị hiểu sai là “trung tâm của từ”
Có rất nhiều trường hợp làm cho chúng ta dễ hiểu sai. Ví dụ khi ta viết hòa, tùy, báo, bán chẳng hạn, chúng ta thấy rõ ràng là dấu thanh được đặt ở vị trí trung tâm của từ. Nhưng đó chỉ là sự trùng hợp, thật ra là chúng ta bỏ dấu lên nguyên âm đầu tiên gần nhất với trung tâm của phần vần, nhưng ngẫu nhiên cũng là trung tâm của cả từ.
Thanh điệu được thể hiện ở phần vần, và dấu thanh được đặt ở trung tâm phần vần, không phải trung tâm của cả từ. Khi một vần được ghép với phụ âm đầu, trung tâm của từ sẽ thay đổi, nhưng trung tâm của phần vần thì vẫn không dịch chuyển.
Ví dụ vần oan, dấu thanh được đặt ở chữ a, ngay trung tâm của vần oan, bất kể chiều dài của cả từ: oán, toán, ngoãn. Vị trí dấu thanh không hề bị chuyển dời theo vị trí “trung tâm của từ”.
Ví dụ thứ hai, vần ươn. Vần ươn có hai nguyên âm đã có sẵn dấu là ư và ơ, cả hai đều được “ưu tiên” như nhau, nên vị trí dấu thanh sẽ được xác định bằng quy tắc đối xứng. Trong vần ươn nguyên âm ơ nằm ở ngay trung tâm, nên dấu thanh sẽ được đặt ở đây, trong bất kể từ nào dù dài hay ngắn: ưỡn, vườn, trườn.
Nhiều người cũng đã lập luận rằng, nguyên tắc đối xứng không nhất quán, vì nếu đã dùng nguyên tắc đối xứng, thì chữ ngoãn phải viết là ngõan (dấu bỏ ở chữ o), quả phải viết là “qủa” (dấu bỏ ở chữ u), hoặc quý phải viết là “qúy”? Lập luận này đã hiểu sai nguyên tắc đối xứng:
- Ngõan: áp dụng sai nguyên tắc. "Trung tâm của phần vần" bị hiểu sai là "trung tâm của cả từ".
- Qủa, qủy: Sai hoàn toàn vì ta gượng ép đánh dấu thanh vào trung tâm của cả từ bất kể vị trí đó có phải là phần vần hay không. U là một phần của phụ âm kép “qu”, không phải là một phần của vần. Dấu thanh phải đặt ở phần vần, không thể đặt ở phụ âm đầu. Ví dụ chữ nghĩ, dấu thanh đặt ở trung tâm phần vần (i), tuy vị trí lệch hẳn với trung tâm của cả từ.
Vậy trong trường hợp chữ quả chẳng hạn, đâu là phần vần? Vần ở đây là “a”, không phải “ua”. Trường hợp này cho thấy có một nguyên nhân khác khiến chúng ta lúng túng khi bỏ dấu: Đâu là phần vần?
Bàn về nguyên nhân thứ hai: Đâu là phần vần?
Vần là phần theo sau phụ âm đầu trong một từ, nếu từ đó có phụ âm đầu. Vần luôn luôn bắt đầu bằng một nguyên âm. Ví dụ trong các từ oai, bà, Nguyễn thì các vần tương ứng là oai, a, uyên. Chúng ta thường không bị phân vân khi nhận dạng đâu là phần vần, ngoại trừ hai trường hợp: Phụ âm kép qu và gi. Không giống các phụ âm kép khác như ch, tr, ph,..., qu và gi là hai phụ âm kép trong tiếng Việt có bao gồm một nguyên âm. Vậy khi học đánh vần ta cần ghi nhớ: qu và gi là hai phụ âm kép, trong đó u và i là một phần của phụ âm, không phải là một phần của vần.
- Trường hợp phụ âm kép qu:
Trong tiếng Việt không có trường hợp nào phụ âm q lại đứng riêng một mình. Q luôn luôn đi với u trong phụ âm kép qu. Vì vậy, u là một phần của phụ âm đầu, không phải là một phần của vần và phần vần sẽ bắt đầu ngay sau chữ u chứ không phải bắt đầu bằng chữ u. Đã là một phần của phụ âm đầu, thì dấu không thể bỏ trên chữ u trong trường hợp qu vì dấu thanh phải được đặt ở phần vần ̣(hay chính xác hơn là nguyên âm của phần vần). Vài ví dụ các từ không có nguyên âm “ưu tiên”: quả, quý, quỉ. Phần vần ở đây là a, y, i, chứ không phải ua, uy, ui. Và vì vậy chúng ta phải bỏ dấu thanh trên chữ a, y, i.
- Trường hợp phụ âm kép gi:
Tương tự như qu, gi là phụ âm kép “gi” chứ không phải là g ghép với vần i. Xin nhắc là khi phụ âm g đi với các vần bắt đầu bằng i, e, ê, hay y, chữ g sẽ chuyển thành gh. Vậy trong các từ như gió, giá, giẻ, phần vần là o, a, e, chứ không phải là io, ia, ie. Và vì thế dấu thanh phải bỏ trên phần vần o, a, e, không thể bỏ trên i của phần phụ âm gi.
Tuy là tương đương với trường hợp qu, phụ âm kép gi có một ngoại lệ khiến cho nhiều người bối rối khi học đánh vần. Ngoại lệ này là: Khi ta ghép gi với những vần bắt đầu bằng i, thì theo quy ước chữ i đầu sẽ bị bỏ đi. Ví dụ khi ta kết hợp gi với các vần i, in, ia, iêu, iêt, iêng trong những từ gì, gìn, gịa, giễu, giết, giêng, giếng, theo quy ước chúng ta không viết là giì, giìn, giịa, giiết, giiễu, giiêng, giiếng. Khi học đánh vần ta phải nhớ quy ước này. Đã thông phần đánh vần thì chúng ta sẽ nhận dạng được phần vần, và việc định vị trí cho dấu thanh sẽ rất dễ dàng.
Trong giễu, giết, giếng, chữ ê đã có sẵn “mũ” nên dấu thanh sẽ ưu tiên bỏ trên ê (gom các dấu vào nhau), không có khó khăn gì. Trong những từ khác như gì, gìn, gịa (trong sách cũ còn ghi là gỵa cho đỡ nhầm lẫn), chỉ cần chúng ta xác định đâu là phần vần, chúng ta có thể bỏ dấu vào nguyên âm đầu tiên gần nhất với trung tâm của phần vần một cách dễ dàng. Tóm lại, chúng ta cần xác định phần vần để bỏ dấu chứ không thể đưa ra một luật chung là “không bỏ dấu trên chữ i trong tất cả các từ với phụ âm đầu gi”.
Kết luận
Phương pháp bỏ dấu thanh theo quy tắc đối xứng rất đơn giản và dễ nhớ. Sau hai thứ tự ưu tiên đơn giản, quan trọng là ta phải hiểu đúng trung tâm của phần vần, không ngộ nhận thành “trung tâm của cả từ”. Ngoài ra, mọi trường hợp khó xử đều liên quan đến sự xác định đâu là phần vần, đặc biệt là phần vần theo sau hai phụ âm kép qu và gi. Cũng cần nhớ là khi phụ âm kép gi đi với một vần bắt đầu bằng chữ i, theo quy ước một chữ i sẽ bị bỏ đi. Khi đã học thông phần ghép vần, phần nhận định vị trí dấu thanh sẽ không còn trở ngại.
Theo quy tắc đối xứng này, chúng tôi không thấy có một ngoại lệ nào. Vì quy tắc này rất nhất quán và dễ nhớ, dễ truyền đạt, chúng tôi không thấy nó cần phải được cải cách. Gần đây nhiều học giả cho rằng chúng ta cần bỏ dấu theo âm vị học, và cho là quy tắc đối xứng chỉ có giá trị thẩm mỹ. Theo phương pháp mới, các quy luật trở nên quá khó nhớ, đến nỗi chỉ có các nhà ngôn ngữ học và các hệ thống lập trình mới có thể viết tiếng Việt một cách chính xác. Chúng tôi nghĩ chữ viết chỉ là quy ước. Mà đã là quy ước, chúng ta không nên áp đặt những quy ước mới quá phức tạp lên quần chúng và nhất là trẻ em trong lứa tuổi học đánh vần.
Như Nguyện
02.2016